Siết điều kiện sản xuất, kinh doanh phân bón

Tại hội nghị “Cục diện thị trường và định hướng quản lý nhà nước về phân bón“ được tổ chức ngày 27/5, đại diện Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp đều cho biết hiện tình trạng sản xuất và kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng diễn biến phức tạp, khó kiểm soát.

 

Theo bà Nguyễn Thị Kim Liên, Phó cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng vẫn diễn ra ở hầu hết các địa phương trong cả nước với tỷ lệ cao. Nhiều loại phân bón thiếu hàm lượng, các chỉ tiêu dinh dưỡng thấp hơn tới 80% mức quy định bị phát hiện ngày càng phổ biến.

“Nhiều loại cây trồng còn mất trắng do sử dụng phân bón giả”, bà Liên nói.

Việt Nam đang quản lý mặt hàng này theo hình thức danh mục. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Thanh Lam- Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) để có tên trong “Danh mục phân bón”, cần phải qua mười ba thủ tục hành chính. Việc quản lý phân bón theo cách này rất tốn kém, mất thời gian khảo nghiệm, lại gây khó khăn cho việc tra cứu, không thực hiện được việc truy xuất nguồn gốc. Ông Lam cho rằng, quản lý bằng cách này không còn phù hợp.

Đại diện Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp cũng cho biết, hiện có 5.000 loại phân bón trong danh mục. Tuy nhiên, các cơ quan này không thể thực hiện được việc truy xuất nguồn gốc của từng sản phẩm. Do đó, nếu doanh nghiệp nào đó vi phạm hoặc chất lượng không đảm bảo thì cũng không thể lần ra địa chỉ thực để xử lý.

Ông Lam cũng cảnh báo hiện tình trạng sản xuất, đóng gói phân bón giả rất tinh vi, có tính chất liên tỉnh, liên vùng. Một số đơn vị bán lẫn hàng thật với hàng giả, hàng kém chất lượng với loại tốt, nhãn mác, áp dụng khuyến mãi, giá rẻ, bán trả sau… cho các cửa hàng nhỏ, lẻ ở vùng nông thôn xa trung tâm đô thị, điều kiện dân trí còn thấp, vùng sâu, vùng xa…

Hiện Bộ Nông nghiệp, Bộ Công Thương cùng tham gia quản lý nhà nước về phân bón, tuy nhiên chưa phân định rõ Bộ nào chịu trách nhiệm chính trước Chính phủ. Do vậy, chưa cơ quan nào thực sự có đầy đủ thông tin về các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu phân bón; việc quản lý còn phân tán, chồng chéo.

Theo Bộ Công Thương, hiện năng lực sản xuất phân bón trong nước đã đáp ứng được trên 80% nhu cầu sử dụng. Thậm chí một số mặt hàng cung cấp đủ 100% nhu cầu và còn dư để phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, do chưa liệt vào mặt hàng có điều kiện cần giấy chứng nhận hoặc giấy phép nên thời gian qua số lượng các doanh nghiệp mọc lên nhanh chóng nhưng chất lượng khó kiểm soát.

Vì vậy, việc đưa sản xuất phân bón vào khuôn khổ được đề cập đến nhiều trong các tham luận. Cụ thể, về điều kiện sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu phân bón, theo bà Liên, thì dự thảo Nghị định mới mà Bộ Công Thương đang tiến hành lấy ý kiến các bộ ngành liên quan sẽ đưa mặt hàng phân bón vào danh mục sản xuất có điều kiện.

Theo đó, doanh nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu về cơ sở vật chất, kỹ thuật như địa điểm, diện tích nhà xưởng, máy móc thiết bị và quy trình công nghệ, phòng kiểm nghiệm… mới được sản xuất phân bón. Người trực tiếp quản lý, điều hành cơ sở sản xuất này phải có trình độ chuyên môn về hóa học hoặc nông nghiệp từ đại học trở lên.

“Với những quy định trên, nếu các quy định như trong dự thảo Nghị định được thực thi sẽ loại bỏ 60% các cơ sở, doanh nghiệp đang sản xuất phân bón không đảm bảo chất lượng, gây nhiễu loạn thị trường như hiện nay”, bà Liên nhận định.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết thêm dự thảo Nghị định mới cũng đề xuất những điều kiện đối với các đơn vị kinh doanh mặt hàng này.

Ngọc Minh

Bài viết liên quan