Bón phân cho cây cà phê
1- Đặc điểm nông học và yêu cầu ngoại cảnh:
Cây cà phê là loại cây công nghiệp nhiệt đới dài ngày. Hiện tại có 3 loại phổ biến là cà phê chè, cà phê vối và cà phê mít. Song ở nước ta chủ yếu là hai giống cà phê chè và cà phê vối chiếm hầu hết diện tích ở các tỉnh Tây Nguyên. Cà phê chè ưa sống ở vùng lạnh có độ cao từ 600-800 mét, nhiệt độ thích hợp 19-230C. Cà phê vối thích nghi với địa hình thấp, khí hậu nóng ẩm, nhiệt độ bình quân 22-260C. Cà phê thích hợp trên đất có tầng dầy và tơi xốp, dễ thoát nước
2. Kỹ thuật trồng:
Tùy theo điều kiện khí hậu của từng vùng mà bố trí thời vụ cho thích hợp. Ở các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam bộ mùa trồng cà phê thường bắt đầu khi mùa mưa được 20-30 ngày từ tháng 5-7 hàng năm. Ở các tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh Trung bộ thời vụ trồng có thể từ tháng 7 đến tháng 9 hàng năm.
3- Nhu cầu và vai trò các chất dinh dưỡng với cây cà phê:
Cà phê có thể đưa lại năng suất cao khi được đáp ứng đầy đủ chế độ dinh dưỡng. Các nguyên tố đa lượng như đạm, lân kali là 3 yếu tố quan trọng cho sinh trưởng và phát triển cũng như kiến tạo năng suất.
Đạm là một nguyên tố quan trọng bậc nhất đối với cây cà phê. Đạm thúc đẩy quá trình quang hợp, khả năng phân cành, phát triển hệ rễ, hoa và quả sau này. Thiếu đạm cây có biểu hiện sinh trưởng còi cọc, lá toàn thân biến vàng. Thiếu đạm có nghĩa là thiếu vật chất cơ bản để hình thành tế bào nên khả năng sinh trưởng bị đình trệ, hàng loạt các quá trình sinh lý sinh hóa trong cây cũng bị ngưng trệ, diệp lục ít được hình thành nên làm lá chuyển vàng
Lân là nguyên tố cũng quan trọng không kém so với đạm. Lân có vai trò trong quá trình quang hợp, tích lũy các chất khô. Cây thiếu lân thì quá trình tổng hợp protein bị ngưng trệ và sự tích lũy đường saccaro xảy ra đồng thời. Cây thiếu lân lá bị nhỏ lại và bản lá bị hẹp và có xu hướng dựng đứng. Khi lá chưa biến sang mầu tía thì mầu lá bị tối lại so với cây có đủ lân. Thiếu lân cây sinh trưởng chậm lại và quá trình chín cũng bị kéo dài. Tuy nhiên thừa lân lại làm cho cây sử dụng lân tồi hơn, vì trong trường hợp này rất nhiều lân nằm ở dạng vô cơ, nhất là ở các bộ phận sinh trưởng.
Kali là một nguyên tố rất linh động và tồn tại trong cây dưới dạng ion. Kali có vai trò tăng cường tính chống chịu của cây, tăng cường khả năng tổng hợp các hợp chất hydrat các bon. Khi thiếu kali, trái nhỏ, trái bị rụng nhiều, năng suất thấp, tỷ lệ nhân trên quả thấp. Thiếu kali thường biểu hiện rõ ở giai đoạn cuối mùa mưa vì lúc này cà phê tập trung dinh dưỡng nuôi trái, nhu cầu kali của cà phê tăng cao trong khi lượng bón kali thường không đủ. Biểu hiện thiếu kali có thể thấy là: Các lá già trở nên vàng sớm và bắt đầu từ bìa lá sau đó bìa lá và đầu lá có thể trở nên đốm vàng hoặc bạc, bìa lá chết và bị hủy hoại và lá có biểu hiện như bị rách.
3.1. Lượng phân bón sử dụng cho cà phê
Bảng 7: Lượng phân bón sử dụng cho cà phê
Đối với cà phê với cà phê chè: năng suất 2,5-3 tấn/ha; cà phê vối năng suất 3,5-4 tấn/ha.
3.2 Thời kỳ bón và phương pháp bón
Bón phân cho cà phê cần định lượng cho 4 lần trong năm: Lần 1: (giữa mùa khô, kết hợp với tưới): Bón 100% phân SA. Lần 2: (đầu mùa mưa): 30% phân urê, 30% phân kali và 100% phân lân. Lần 3: (giữa mùa mưa): 40% phân urê, 30% phân kali. Lần 4: (trước khi kết thúc mùa mưa 1 tháng): 30% phân urê, 40% phân kali.
Phương pháp bón:Phân lân rải đều trên mặt cách gốc 30 – 40 cm. Không được trộn phân lân Văn điển với phân đạm.
Phân Kali Clorua và phân đạm có thể trộn đều và bón ngay. Đào rãnh chung quanh tán cây cà phê, rộng 10 – 15 cm, sâu 5 cm rải phân đều và lấp đất.
Riêng năm thứ nhất (trồng mới): Toàn bộ phân lân được bón lót. Phân urê và phân Kaliclorua được chia đều và bón 2 lần trong mùa mưa
Chú ý: Khi năng suất cao hơn 3 tấn/ha, ngoài lượng phân bón đã nêu trên, cần phải bón bổ xung thêm lượng phân bón cho 1 tấn nhân bội thu/ha như sau: 150 kg Urê + 130 kg KCl + 100 kg lân.
Từ năm thứ 2 trở đi nên bón bổ sung phân SA với lượng 80-200 kg/ha/năm